Skip to main content
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Hiện đại NGƯỜI BA THIỆN LÀNH- FULL Chương 1: NGƯỜI BA THIỆN LÀNH

Chương 1: NGƯỜI BA THIỆN LÀNH

4:13 chiều – 13/05/2024

1

“Hôm nay, ai muốn giành cái nhà này thì cứ bước qua x.á.c tôi đi!”

Tôi vừa mở mắt ra đã thấy mẹ mình vung con dao phay, xông tới chỗ bác cả như điên.

Ba tôi nhíu mày, dáng vẻ đau đớn vô cùng: “Đủ rồi! Gây chuyện như vậy mà bà không ngại mất mặt à? Bà còn ầm ĩ nữa là tôi đi đấy!”

Khung cảnh quen thuộc này khiến tôi nhận ra mình đã sống lại.

Kiếp trước cũng như thế này.

Rõ ràng sau khi ông nội đột quỵ, chẳng người nào chịu nuôi ông, chỉ có mỗi mẹ tôi quan tâm chăm sóc ông nội, thế nên ông nội định giao căn nhà lại cho bà.

Vậy mà, ông nội vừa mới rời khỏi nhân gian thì bác cả đã tới giành nhà.

Mẹ tôi tức quá nên vung dao phay, ép phía bác cả phải từ bỏ, bảo vệ được căn nhà.

Nào ngờ ba tôi lại nói gia môn bất hạnh nên mới cưới phải người vợ hung dữ như vậy, còn thay mặt mẹ tôi xin lỗi bác cả nữa chứ.

Ba tôi được hưởng ngôi nhà, còn mẹ tôi bị mang tiếng là người đàn bà chanh chua.

Ba tôi là vậy đấy, ông ta chẳng biết hơn thua, chẳng biết tranh giành, nên chẳng lạ gì khi ai ai cũng bảo ông ta hiền lành.

Trong nhà, ông nội nằm một chỗ, chẳng ai chịu gánh vác phần việc nặng nhọc này nên ba tôi nhận nuôi ông.

Bác cả thèm muốn tiền trợ cấp của ông nội nên giữ khư khư không chịu giao ra, ba tôi nói anh em không nên so đo.

Trong trường, ba tôi luôn là người cuối cùng đi nhận phúc lợi, những thứ ông ta mang về toàn là đồ thừa lại sau khi người khác đã chọn xong.

Thậm chí hôm đánh giá chức năng nghề nghiệp, rõ ràng ông ta xuất sắc mọi mặt, giỏi giang hơn những người khác, vậy mà lãnh đạo lại bắt ông ta nhường cho đồng nghiệp cần danh hiệu ấy hơn.

Ông ta luôn nói mình là giáo viên, chẳng những truyền đạt kiến thức mà còn phải chỉ đường dẫn lối cho học sinh, phải có đạo đức tốt, phải mẫu mực, không làm bạn với kẻ tầm thường.

Nhưng đức tính tốt của ông ta đã khiến mẹ tôi chịu bao nhiêu thiệt thòi.

Nói về việc nhà, ông ta đưa ông nội về, sau đó lấy cớ bận rộn công việc nên cứ bên ngoài suốt. Nấu ăn, đút cơm, cho ông nội đi vệ sinh, toàn bộ đều do một tay mẹ tôi đảm đương.

Ông ta không yêu cầu bác cả giao tiền trợ cấp của ông nội, nhưng cũng không muốn đưa tiền thuốc thang của ông nội cho mẹ tôi. Trong nhà số vào chẳng bằng số ra, mẹ tôi đành đến nhà bác cả làm ầm lên để lấy số tiền trợ cấp kia.

Nói về chuyện đi làm, vì ba tôi hiền lành nên luôn bị người ta bắt nạt, người ta bắt ông ta dạy thêm tiết, dạy thay cho giáo viên khác, thậm chí là đến dạy ở vùng nông thôn xa xôi,… nói chung việc khó khăn nào cũng đến tay ông ta. Nhưng ông ta chưa bao giờ có phần trong những đợt khen thưởng.

Ông ta thường mượn rượu giải sầu, than thở thói đời bạc bẽo.

Mẹ tôi không nhịn được nên ra mặt, đòi lại những quyền lợi mà ông ta đáng được hưởng.

Ba tôi được hời, vậy mà ông ta khóc lóc kể lể với mọi người rằng mấy chuyện đó không phải ý của ông ta, đều do “con cọp cái” trong nhà tự hành động, ông ta chẳng biết gì cả.

Dần dà ai nấy đều biết ba tôi ôn tồn lễ độ, còn mẹ tôi chỉ là đồ đàn bà hung dữ xấu xa.

Ai cũng nói mẹ tôi hoàn toàn không xứng với ba tôi, chẳng biết sao ông Tơ bà Nguyệt lại nối nhầm dây tơ hồng nữa.

Tôi biết ba cũng không thích mẹ, bởi vì tính bà so đo như mấy con buôn, tục tằng khiếm nhã vô cùng, lấy mẹ tôi làm ông ta hổ thẹn đến không ngóc đầu lên được.

Bao nhiêu năm nay ông ta áp dụng bạo lực lạnh với mẹ tôi.

Mỗi lần bà lên tiếng vì lo nghĩ cho ông ta, muốn chu toàn cho cái nhà này, ông ta lại mắng bà là ngữ chanh chua, không biết nói lý lẽ, mất mặt, đáng xấu hổ.

Thậm chí ông ta còn ném đũa, đứng dậy bỏ đi rồi đóng chặt cửa phòng.

Nếu mẹ tôi uất ức đến mức to tiếng, ông ta chỉ nói mấy câu thế này, “Tôi lười cãi với bà”, “Bà muốn sao cũng được”, “Tùy bà”, sau đó chuồn đi mất, để lại một đống việc nhà với bao nhiêu hỗn loạn cho mẹ tôi dọn dẹp.

Ông ta càng im lặng thì người ngoài càng cho rằng mẹ tôi là kẻ nóng tính.

Chỉ cần ai đó tỏ vẻ cảm thông với ba tôi thì ông ta sẽ lắc đầu rồi bày ra vẻ mặt bất đắc dĩ: “Số trời rồi, ly hôn thì con cái phải làm sao đây?”

Cứ như vậy, năm nào ba tôi cũng viện cớ bận việc hoặc vợ chồng bất hòa để trốn tránh trách nhiệm với gia đình, biến tổ ấm thành khách sạn để ông ta ăn cơm và ngủ nghỉ, biến mẹ tôi thành người giúp việc phục vụ cho ông ta.

Ông ta có được thể diện và sự yêu thích của mọi người, trong khi đó mẹ tôi vừa bị mang tiếng chanh chua, vừa phải chôn vùi tuổi xuân cho cuộc hôn nhân ngột ngạt, chán chường này suốt hai mươi năm. Cuối cùng bà mắc bệnh ung thư gan.

Lúc phát hiện thì đã đến giai đoạn cuối, ba tôi viện cớ cần để chút tiền lại cho tôi, lừa mẹ tôi từ bỏ hóa trị.

Ông ta nói hóa trị rất tốn kém, mà cuối cùng cả người lẫn của đều không còn, chẳng bằng bây giờ cứ ăn uống thỏa thê, đi ra ngoài nhiều hơn một chút còn vui hơn.

Sau cùng, ông ta đưa mẹ tôi đến Tần Hoàng Đảo, nơi ông ta đã hứa sẽ dẫn mẹ tôi tới khi hai người vừa mới kết hôn.

Không lâu sau, mẹ tôi qua đời.

Mãi đến những ngày cuối đời của mẹ, ba tôi mới cho người đang đi học xa là tôi đây biết mọi chuyện. Chờ đến khi tôi chạy về nhà thì đã không kịp nữa rồi.

Tại tang lễ, tôi đau đến chẳng thiết sống nữa.

Ba tôi lại khuyên đây chính là kiếp mệnh của mẹ tôi, còn nói bà có tính hiếu thắng, táo bạo, hung dữ, vậy nên mới mắc căn bệnh quái ác đó.

Tôi chất vấn ông ta vì sao không chữa bệnh cho mẹ.

Nào ngờ ông ta lại đẩy hết mọi chuyện lên đầu mẹ tôi, ông ta bảo, mẹ tôi nói rằng bà không muốn phung phí, phải để dành tiền làm của hồi môn cho tôi.

Nhưng thực tế thì ba tháng sau… ba tôi tái hôn.

Vợ mới của ông ta là dì hàng xóm, cũng là mối tình đầu của ông ta.

Ba tôi dùng tiền tiết kiệm của mẹ tôi, cả tiền bà con hàng xóm tới thăm viếng mẹ để tổ chức một hôn lễ thật long trọng với tình cũ, thậm chí ông ta còn đưa bà ta đến Maldeives hưởng tuần trăng mặt nữa chứ.

Tôi chạy vội về nhà sau khi hay tin, đến khi đặt chân vào phòng của mẹ, tôi bàng hoàng nhận ra nơi đây chẳng còn vật nào liên quan đến mẹ tôi nữa.

Toàn bộ di vật của mẹ tôi đều bị ném vào thùng tác.

Ngôi nhà mà mẹ tôi vất vả giữ gìn hơn nửa đời người được dán chữ “hỷ” đỏ rực.

Trong phòng ngủ còn treo mấy bức ảnh cưới thân mật của ba tôi và bà vợ mới.

Ba tôi vui đến độ tự tay viết một câu đối: [Hai mươi năm chia ly, sách gấm chẳng đượm nỗi tương tư. Ba mươi năm thật lòng mong đợi, nến đỏ lại dệt tình ban sơ.]

Tất cả những điều này khiến mẹ tôi hệt như trò đùa của bọn họ.

Vậy mà, khi bị tôi chất vấn, người vợ mới kia còn chẳng biết xấu hổ mà mở miệng ra nói rằng: “Ba con bị mẹ con ức hiếp nửa đời người, bây giờ mẹ con đi rồi, vất vả lắm ba con mới hưởng được mấy ngày thanh thản. Con là con gái mà không muốn ba mình vui vẻ sao?”

“Người ch.ế.t cũng đã ch.ế.t rồi, người sống vẫn phải sống tiếp chứ. Ba con và dì hy vọng con sẽ hiểu và chúc phúc cho hai ta.”

Tôi không hiểu, cũng không chúc phúc được, thế nên tôi tát mụ đàn bà hèn hạ kia một bạt tai.

Ba tôi xót vợ, thế là ông ta cầm lấy chai rượu vang đỏ ở bên cạnh ném vào đầu tôi.

Còn mụ đàn bà kia vẫn chưa nguôi giận, cho nên bà ta đẩy tôi xuống khỏi ban công.

Trong thời khắc cuối cùng của cuộc đời, thứ tôi trông thấy là vẻ mặt như đang nhìn kẻ thù của ba mình.

Mà ngay lúc này đây, tôi lại trông thấy vẻ mặt ấy một lần nữa.

Chẳng qua, lần này người ông ta nhìn… chính là mẹ của tôi.

2

Ba tôi vẫn giống hệt kiếp trước, ông ta cố gắng rời đi, để hiện trường hỗn độn này cho mẹ tôi xử lý một mình.

Hiển nhiên, tôi sẽ không để ông ta được như ý. Tôi nắm lấy tay ông ta: “Ba ơi, mẹ con chỉ muốn đòi lại thứ thuộc về mẹ thôi mà, sao gọi là ầm ĩ được ạ?”

“Ông nội nằm một chỗ suốt năm năm, năm năm trước, cũng trong ngôi nhà này, cả nhà đều nhất trí ký tên đồng ý rằng ai chăm sóc ông nội thì sẽ được hưởng căn nhà này mà.”

“Mẹ con chăm sóc ông nội năm năm, cho nên căn nhà này vốn là của mẹ. Nếu nói ầm ĩ thì người làm mọi chuyện lộn xộn thế này chính là bác cả. Nếu nói mất mặt thì bác cả không chăm sóc ông nội nhưng lại muốn chiếm đoạt tài sản mới là người phải mất mặt chứ!”

“Ba là giáo viên, ba luôn dạy con làm người phải rõ đúng sai, vậy mà sao ngay cả đạo lý dễ hiểu như vậy mà ba cũng không hiểu thế ạ? Chuyện này mà truyền ra ngoài, sao ba dạy người ta được nữa đây?”

Tôi ngẩng mặt lên, tuy vẫn giữ dáng vẻ khiêm tốn ham học hỏi như ngày thường, nhưng lại khiến ba tôi tái cả mặt.

Còn người mẹ đáng thương của tôi vừa rồi vẫn còn giơ cao con dao phay trong tay, vậy mà giờ phút này, bà sững sờ nhìn tôi, vành mắt đỏ ửng chực tràn lệ.

Tôi gật đầu trấn an bà ấy, trong lòng ngập tràn chua xót.

Ai cũng nói mẹ tôi là người đàn bà chanh chua, nhưng chỉ có tôi thấy được vẻ yếu ớt trong con người bà.

Thật ra, vào kiếp trước, tôi biết rõ nỗi khổ tâm mà mẹ phải gánh chịu.

Nhưng khi ấy tôi chỉ là đứa nhóc 16 tuổi học cấp ba, da mặt mỏng nên chẳng có dũng khí và năng lực bảo vệ mẹ được.

Còn tôi của hiện tại đã trải qua một kiếp người, tôi muốn người đời thấy rõ bộ mặt dối trá của ba tôi, đồng thời bảo vệ mẹ thật tốt.

Ba tôi giận đến thở hổn hển: “Chăm sóc người già là chuyện hiển nhiên, sao có thể đòi nhà được chứ? Người ngoài nghe thấy rồi đàm tiếu chỉ trỏ thì sao?”

Tôi cười gằn: “Chuyện hiển nhiên à? Vậy sao ba và người bác cả tốt đẹp này của con không chăm sóc ông đi ạ?”

“Ông nội sống với nhà ta năm năm, ngày nào ba cũng làm thêm giờ, nghỉ đông hay nghỉ hè thì ba chạy đi học bồi dưỡng, để mặc mẹ chăm ông nội một mình.”

Ba tôi cả vú lấp miệng em: “Do ba bận việc quá mà?”

Tôi đáp: “Mẹ con cũng đâu có rảnh? Mẹ phải đi làm, trưa còn về nhà nấu cơm cho ông nội nữa. Mẹ con là dâu, vậy mà một ngày lau rửa, trở mình cho ông nội không biết bao nhiêu lần. Lúc ông nội qua đời, trên người ông chẳng có một vết hoại tử nào. Ngay cả bác sĩ cũng nói mẹ con chăm ông quá tốt. Còn mấy người thân ruột thịt ở đây thì sao? Thân xác ông nội còn chưa kịp lạnh, vậy mà các người lại làm trái lời ông, muốn chiếm đoạt căn nhà mà ông nội định để lại cho mẹ con. Các người còn có mặt mũi nói đến chuyện hiếu thuận ư? Nghe có buồn cười không cơ chứ?”

Lời tôi nói ra vừa mạnh mẽ vừa có lý, hầu hết những người có mặt ở đây đều không thể phản bác. Có vài cụ già còn gật đầu, nói rằng mẹ tôi đã chăm sóc ông nội rất tốt, đó là sự thật chẳng thể chối cãi được.

Thấy tình hình đang nghiêng về phía mẹ tôi, mặt bác cả đỏ như tôm luộc, ông ta cao giọng chất vấn ba tôi: “Dạy con thế nào mà mồm miệng toàn lời bậy bạ, chẳng giống người nhà họ Trần chúng ta chút nào.”

Tôi đáp: “Không giống là may rồi ạ. Nhà họ Trần này mở miệng ra là rao giảng đạo đức với nhân nghĩa, nhưng ngay cả ba ruột của mình mà còn chẳng muốn nuôi. Cháu mà giống cái nhà này, ba cháu nên lo dần đi là vừa.”

Có người bật cười.

Ba tôi đỏ mặt tía tai, bắt tôi im miệng: “Chưa đủ mất mặt à? Vì một cái nhà mà xào xáo với anh chị em như thế này, truyền ra ngoài thì tôi biết làm sao đây hả?”

Tôi chỉ chờ mấy câu này của ông ta.

“Ba ngại mất mặt thì ba có thể không cần nhà mà.”

“Trong thỏa thuận, người nào chăm sóc ông nội thì người đó sẽ được hưởng cái nhà này. Ba có nuôi ông nội ngày nào đâu, nên cái nhà này cũng chẳng liên quan đến ba nốt.”

“Với sự đức độ mà ba đang có, con tin ba thật sự không muốn căn nhà này. Chi bằng chúng ta viết thêm một thỏa thuật nhé, ba từ bỏ căn nhà, để một mình mẹ con sở hữu nó thôi. Đến lúc ấy, dù bác cả có oán hận thì cũng không đổ lên đầu ba được, hai người là anh em một nhà, chỉ có mẹ con là kẻ xấu thôi.”

Ba tôi há hốc miệng, hiển nhiên lời tôi nói đã vượt xa phạm vi nhận thức của ông ta.

Ông ta quen thói nấp sau lưng mẹ tôi để hưởng lợi, bây giờ thấy ngọn núi che chắn cho mình sắp biến mất nên không cam tâm.

Ba tôi nói không lại nên bắt đầu dùng thân phận để đè ép tôi, vẫn là câu danh ngôn kinh điển tự thưở nào: “Chuyện của người lớn, nào có chỗ cho trẻ con chen vào!”

Tôi mỉm cười: “Ba à, ba không đồng ý ký hả? Không phải là do luyến tiếc căn nhà này đấy chứ?”

Tôi nhìn sang bác cả: “Bác xem, em trai của bác cũng muốn nhà kìa, chẳng qua người ta ngại lên tiếng thôi. Bác có hận thì cũng đừng hận một mình mẹ cháu nhé.”

Mọi người nhìn ba tôi với ánh mắt đầy hoài nghi.

Ba tôi vẫn muốn giữ hình tượng nên đành cắn răng: “Ai nói tôi không đồng ý, chỉ một căn nhà nát, còn chẳng lọt vào mắt tôi nữa là. Hôm nào đó chúng ta tìm luật sư…”

Tôi nói: “Sao phải đợi đến hôm nào, chẳng phải anh họ con của cô ba là luật sư à? Bây giờ chúng ta nghĩ điều khoản trong thỏa thuận ngay đi. Vừa hay có người lớn ở đây làm chứng. Ba à, ba nổi tiếng đức độ là thế, đừng để con và mẹ làm liên lụy nha.”

Anh họ xem trò hay, chê chuyện chưa đủ lớn nên vội vàng thông báo rằng mình có mang theo máy tính, bây giờ muốn ký tên cũng không thành vấn đề.

Thế là, dưới sự chứng kiến của họ hàng thân thích, ba tôi chau mày ký vào thỏa thuận bỏ quyền thừa kế của căn nhà này.

Sau đó, ông ta ném bút rồi nổi giận đùng đùng đi ra ngoài.

“Lấy vợ không hiền, dạy con không được, đúng là gia môn bất hạnh mà.”

Trước khi đi, ông ta vẫn không quên mỉa mai tôi và mẹ.

Đáng tiếc, tôi đã có được thứ mình muốn, ai thèm quan tâm ông ta sủa cái gì cơ chứ.

Tôi cất giấy thỏa thuận rồi mỉm cười với bác cả: “Cảm ơn bác cả đã giúp mẹ con cháu hoàn thành tâm nguyện, không nhờ bác thì cái nhà này đâu thể thuộc về mỗi mình mẹ cháu được.”

Khỏi phải nói vẻ mặt của bác cả đặc sắc đến nhường nào.